Thiết kế hoạt động STEM có vẻ khá phức tạp nhưng một khi đã hiểu bản chất và cách áp dụng nguyên tắc STEM thì công việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Cùng chúng tôi phân tích về 5 bước thiết kế hoạt động STEM cho trẻ vô cùng đơn giản qua bài viết dưới đây nhé.
Chúng tôi đã thảo luận về lợi ích của các bài học và hoạt động STEM cũng như giá trị của các chiến lược giảng dạy. Cha mẹ đều đã hiểu giá trị STEM mang lại nhưng làm thế nào để thiết kế được những hoạt động STEM bổ ích dành cho trẻ?
Đối với nhiều người, công việc này có vẻ phức tạp và mất thời gian, nhưng sự thật không hẳn vậy. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu 5 bước thiết kế hoạt động STEM vô cùng đơn giản cha mẹ nào cũng có thể áp dụng và thành công.
Lập kế hoạch bài học STEM
Như đã đề cập ở các bài viết trước, STEM là phương pháp giáo dục kết hợp ít nhất 2 trong 4 lĩnh vực trụ cột quan trọng (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán). Nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động STEM kết hợp nhiều lĩnh vực thu hút sự quan tâm và thúc đẩy niềm say mê khám phá tri thức của trẻ nhiều hơn các bài giảng riêng lẻ từng môn học.
Khi bắt đầu thiết kế hoạt động STEM, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là phát triển một bài học có sẵn. Bài học lịch sử có thể nhanh chóng trở thành bài học STEM bằng cách đưa một vài thay đổi vào trọng tâm bài giảng.
Ví dụ:
Một nghiên cứu ở Ai Cập cổ đại có thể trở thành một vấn đề kỹ thuật, khoa học (vật lý) và toán học khi trẻ tham gia hoạt động thiết kế máy bắn đá (vũ khí thời cổ đại); khi trẻ tạo video để chia sẻ những gì chúng học được về lịch sử, chiến tranh cổ đại và kỹ thuật tạo nên máy bắn đá sẽ mang khía cạnh công nghệ và nghệ thuật vào bài học này.
Có thể thấy, một bài học lịch sử đơn thuần đã trở thành một hoạt động STEAM vô cùng thú vị, hội tụ đầy đủ các trụ cột chính của STEAM gồm Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học. Vậy là chúng ta đã có một hoạt động STEAM hoàn hảo.
5 bước thiết kế hoạt động STEM đơn giản
Thiết kế STEM hay STEAM là cách tích hợp các môn học trụ cột vào một vấn đề. Điều này giúp trẻ nhìn một sự vật, hiện tượng đa chiều, kết hợp kiến thức nhiều bộ môn để hiểu bản chất vấn đề. Không chia kiến thức theo các môn học độc lập. Hiểu được nguyên tắc này rồi, vậy phải làm sao để có thể áp dụng chúng để thiết kế được những hoạt động STEM cho trẻ hiệu quả. Cha mẹ có thể tham khảo 5 bước vô cùng đơn giản sau đây.
Bước 1: Lên ý tưởng
Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là hãy suy nghĩ về chủ đề dùng để thiết kế bài học STEM, như ví dụ của chúng tôi đó là bài học lịch sử về Ai Cập cổ đại. Khi đã chọn được chủ đề, hãy suy nghĩ, động não và đưa ra thật nhiều ý tưởng, vấn đề xoay quanh chủ đề đó. Viết những ý tưởng đó thành một danh sách.
Ở phần này, thầy cô và cha mẹ hãy khích lệ con trẻ thoải mái đóng góp ý tưởng để hoàn thiện danh sách đó. Việc này cũng giúp trẻ nắm quyền chủ động trong việc học của mình đúng theo tinh thần của STEM.
Bước 2: Kiểm tra
Kiểm tra lại tất cả những ý tưởng trong danh sách để xem liệu chúng có liên quan đến chủ đề chính, nếu liên quan thì mối liên hệ của nó với chủ đề chính là gì. Cha mẹ cần kiểm tra liệu các ý tưởng riêng lẻ này kết hợp với nhau có mang lại ý nghĩa gì cho chủ đề không.
Bước 3: Áp dụng
Khi kiểm tra và chọn lọc được những ý tưởng phù hợp có liên quan đến chủ đề chính. Cha mẹ tiếp tục áp dụng 4 trụ cột chính của STEM Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (có thể thêm trụ cột thứ 5 là Nghệ thuật) vào những ý tưởng trên để tạo ra một hoạt động phù hợp và có ý nghĩa. Không phải tất cả bài học đề có thể kết hợp cả 5 trụ cột, tuy nhiên cha mẹ nên cố gắng kết hợp ít nhất là 2 trong 5 trụ cột trên.
Bước 4: Hoàn thiện
Hoàn thiện hoạt động STEM. Rất khó để xác định một bài học STEM hoàn hảo là như thế nào. Vì vậy cha mẹ hãy sẵn sàng cho những sai lầm và những thử nghiệm để thay đổi nếu cần thiết. Đúng với bản chất của STEM đó là cách học chủ động, tự tìm tòi, thử nghiệm và thay đổi.
Một bài STEM với nhiều góc độ có thể khiến trẻ cảm thấy khó khăn khi tiếp cận, nhưng nó cũng là cơ hội tốt để phát triển kỹ năng tư duy học tập của các con. Cha mẹ hãy chuẩn bị các tình huống xảy ra để có phương pháp hướng dẫn và hỗ trợ trẻ.
Bước 5: Đánh giá
Sau khi thử nghiệm hoạt động STEM, cha mẹ cần đánh giá lại toàn bộ bài học đó để xem phần nào hiệu quả, phần nào không hiệu quả. Khi đã thiết kế được một số lượng đủ lớn những bài học STEM, cha mẹ sẽ có đủ khả năng để rút ra những kết luận:
- Lĩnh vực nào thực sự thu hút sự quan tâm của trẻ?
- Trẻ được tạo động lực học hỏi, khám phá nhờ đâu?
- Phương pháp học STEM nào hiệu quả nhất đối với trẻ?
Thông qua 5 bước thiết kế hoạt động STEM vô cùng đơn giản trên, hy vọng cha mẹ và thầy cô nắm được nguyên tắc và cách thức để xây dựng giờ học thú vị dành cho trẻ. Điều quan trọng cần nhớ là hãy liên tục sáng tạo, thử nghiệm và đổi mới thông qua quá trình thiết kế bài tập STEM. Lặp lại quá trình 5 bước trên nhuần nhuyễn, cha mẹ chắc chắn sẽ tạo được những hoạt động STEM thú vị thúc đẩy niềm đam mê học tập của con. Chúc cha mẹ thành công.